Chiếm 1 nửa đến 2/3 chi phí lưu thông, chi phí vận tải được xem là gánh nặng lớn nhất trong tổng chi phí logistics. Bài toán hạ tầng giao thông là lối thoát nhằm làm giảm đáng kể chi phí logistics vốn đã rất cao trong nước.
Cách đây khoảng 3 – 4 năm, một xe container chạy từ cảng Hải Phòng đi Hà Nội nếu suôn sẻ cũng mất 5 đến 6 tiếng, giá cước mỗi chuyến dao động từ 6 – 7 triệu đồng. Tình trạng tắc đường xảy ra liên tục, nhiều khi kéo dài đến nửa ngày. Mỗi lần tắc đường như vậy, thiệt hại cho doanh nghiệp cả triệu đồng/chuyến vì chi phí nhiên liệu, thời gian quay vòng, chủ hàng phạt hợp đồng…
Đường thông, cảng thoáng
Từ khi tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cầu vượt ngã 3 Đình Vũ, cầu vượt Lê Hồng Phong,… đã giải quyết được gần như hết tình trạng ùn tắc tại khu vực cửa ngõ Hải Phòng. Nếu tính trung bình giá cước vận chuyển 1 container từ cảng Hải Phòng đi Hà Nội hiện nay chỉ còn 4 – 4,5 triệu đồng, mỗi năm chi phí vận tải hàng hóa qua khu vực cảng Hải Phòng bằng đường bộ đã giảm hàng nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp.
Trước đây, khi Hải Phòng chưa có cảng nước sâu Lạch Huyện, các hãng tàu chỉ khai thác cỡ tàu trung bình 1.200 đến 1.500 TEU tại các cảng. Cả năm 2017 và đến giữa năm 2018, các tuyến luồng hàng hải Hải Phòng bị sa bồi, các cỡ tàu này cũng không thể khai thác trực tiếp mà phải hạ tải hoặc trung chuyển bằng sà lan vào các cảng.
Luồng cạn, năng lực xếp dỡ có hạn dẫn đến phát sinh chi phí rất lớn cho các hãng tàu. Ngoài chi phí xếp dỡ, xáo trộn lịch trình, tiến độ giao hàng, chi phí cho mỗi giờ tàu còn ngốn thêm hàng chục nghìn USD/ngày.
Ngày 13/5/2018, cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) chính thức đi vào hoạt động. Với luồng hàng hải sâu 17m, độ sâu bến 14m và hạ tầng cảng biển hiện đại, cảng này có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 14.000 TEU vào làm hàng. Nếu so với trước đây, mỗi chuyến hàng, hãng tàu có thể cắt giảm chi phí hàng trăm nghìn USD. Và đặc biệt đã thu hút sự quan tâm của nhiều hãng tàu lớn quốc tế.
“Cặp bài trùng” đường bộ – cảng biển thật sự là…đôi bạn cùng tiến khi mới thời gian đầu lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng đã có mức tăng trưởng mạnh 18,4% trong năm 2018 (109 triệu tấn).
Xấu đều hay tốt lỏi?
Chỉ nhìn vào bức tranh hạ tầng giao thông của Hải Phòng trong thời gian ngắn đã cho thấy mức chi phí vận tải giảm rất nhiều. Ngoài trực tiếp giảm chi phí cho các doanh nghiệp, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước cũng được nâng cao.
Tuy nhiên, nhìn rộng ra cả nước trong 5 loại hình giao thông thì mới có đường biển và đường bộ đóng vai trò đầu tầu nhưng cũng không đồng đều. Cả nước có trên 200 cảng biển nhưng cũng chỉ có số ít các cảng khu vực đình đám có thể tham gia vào việc xuất nhập hàng hóa quốc tế: các cảng khu vực Hải Phòng, khu vực Đà Nẵng – Huế, TP HCM và Vũng Tàu. Đường bộ có gần 20.000km đường nhựa nhưng số lượng các cao tốc chỉ tính trên đầu ngón tay. Ở phía bắc, tuyến đường bộ kết nối với các cửa khẩu biên giới: Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái,… vẫn “đầu voi, đuôi chuột”. Bộ đôi đường bộ- cảng biển mới ở mức… thoát hàng qua cảng chứ chưa thật sự kết nối suôn sẻ hai điểm đầu – cuối.
Mặc dù lý thuyết vẫn phải kết hợp vận tải đa phương thức nhằm tận dụng ưu thế mỗi loại hình. Thế nhưng, thực tế hiện nay 70% lượng hàng hóa vẫn vận chuyển bằng đường bộ. Ngoài những chi phí hạ tầng được cải thiện, đường bộ – cảng biển vẫn phải gặp những trở ngại khác là chi phí không chính thức ở khâu thủ tục và… lộ phí. Nhưng, trước mắt bộ đôi này vẫn là át chủ bài trong cắt giảm chi phí logistics.
Theo EnterNews