Chiều 2/6, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 cho biết Việt Nam đã thành công đạt mục tiêu kép và cần quyết liệt hơn nữa trong việc khôi phục hoạt động kinh tế – xã hội trong giai đoạn tiếp theo.
Tình hình khả quan sau những khủng hoảng mang tên dịch Covid
Đề cập đến tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ, đến nay đã hoàn thành 29 nhiệm vụ, có 30 nhiệm vụ trong hạn và 1 nhiệm vụ quá hạn. Thủ tướng khẳng định có văn bản chỉ đạo cụ thể để thúc đẩy và xử lý dứt điểm.
Song song đó, tình hình dịch bệnh COVID -19 tiếp tục khả quan, không có ca nhiễm mới trong cộng đồng trong 48 ngày. Mục tiêu kép đạt kết quả với việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh tích cực. Xã hội hầu như trở lại với trạng thái bình thường mới. Người dân và doanh nghiệp ngày càng có niềm tin vào Đảng, Nhà nước nhờ vào giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội.
Những khởi sắc trong nền kinh tế nước nhà
Về kinh tế, Việt Nam đặc biệt phục hồi khá nhanh, mạnh hơn so với tháng 4. Các hoạt động sản xuất công nghiệp có tín hiệu phục hồi. So với tháng 4, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,2%, chỉ số nhà quản trị mua hàng của Việt Nam (PMI) tăng 10 điểm – là một trong các mức tăng cao nhất của Đông Nam Á. Doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ có xu hướng tăng trở lại với mức tăng 26,9%.
Giải ngân vốn đầu tư công có bước chuyển đổi khi tăng 17,5 %. Hoạt động FDI phục hồi nhẹ, tổng số vốn đăng ký 5 tháng đầu năm chiếm 13,9%. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng lên trong tháng 5.
Đặc biệt, Tạp chí The Economist xếp hạng Việt Nam đúng thứ 12 trong số 66 nền kinh tế mới nổi về sức khỏe tài chính. Điều này góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Không chủ quan trước những khó khăn
Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, các chỉ số có tăng trưởng nhưng chưa đạt yêu cầu. Công nghiệp vẫn gặp khó khăn do hoạt động chuỗi cung ứng trên thế giới gặp trở ngại do COVID-19. Thời tiết vào hè nên nắng hạn, nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Áp lực lạm phát vẫn còn tồn tại khi nhìn chung giá cả hàng hóa thiết yếu còn cao. Giải ngân đầu tư công cũng có cải thiện nhưng còn chậm.
Đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, Việt Nam còn phải đối diện với nhiều rủi ro và thách thức. Vì vậy, cần tiếp tục đề cao kiểm soát COVID-19, đặc biệt chú ý đến các tuyến biên giới, đường mòn, lối mở, và các cửa khẩu. Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị các cấp, các ngành phải có giải pháp cụ thể để đẩy mạnh nền kinh tế, hoàn thành mục tiêu cao nhất năm 2020, quyết liệt hơn nữa để khôi phục hoạt động kinh tế – xã hội trong giai đoạn tiếp theo.
Những hoạt động hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ
Trên tinh thần đó, các gói hỗ trợ Chính phủ đang chỉ đạo bao gồm chính sách tiền tệ, tín dụng, tài khóa, đặc biệt là gói hỗ trợ an sinh xã hội cho hon 20 triệu người cần được tập trung đẩy nhanh thời gian phê duyệt và triển khai.
Thêm vào đó, Nghị quyết 84 đã được ban hành nhằm giúp đỡ giải quyết khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, cũng như các cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan các cấp, các ngành cần bám sát và cần thực hiện kế hoạch triển khai nghị quyết này.
Về các địa phương, cần đảm bảo thực hiện tốt các quy trình, thủ tục, đối tượng hưởng ưu đãi trên tinh thần công khai và minh bạch. Thông tin phải được công bố rõ ràng trên các cổng thông tin điện tử địa phương và Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Thủ tướng cũng lưu ý đến việc kích cầu thị trường nội địa cả về tiêu dùng cá nhân và thương mại dịch vụ, đẩy nhanh phát triển kinh tế số, hoàn thiện hành lang pháp lý cho một số mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ.
Về tài nguyên môi trường, xuất hiện tình trạng người nước ngoài lách luật, mua những mảnh đất có vị trí đắc địa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề ra các biện pháp quản lý, không để hậu quả xấu có thể xảy ra…
Tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em theo Chỉ thị số 23/CT-TTg được ban hành trong tháng 5, và xử lý nghiêm các vụ vi phạm nhằm giáo dục, răn đe mạnh mẽ.
Dựa trên các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Khu công nghiệp Nam Đình Vũ cũng chủ trương đồng hành với các nhà đầu tư nhằm góp phần đẩy mạnh quá trình khôi phục kinh tế thông qua các mức hỗ trợ hấp dẫn về chi phí, thuế và cung cấp dịch vụ khách hàng tận tâm, chu đáo.