Mô hình khu công nghiệp sinh thái đang là xu hướng mà các khu công nghiệp hiện đại hướng đến. Với mục tiêu hướng đến phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường, khu công nghiệp sinh thái hoặc khu công nghiệp định hướng xanh đang tạo nên sức hút mãnh liệt với các nhà đầu tư có tầm nhìn.
1. Khu công nghiệp sinh thái là gì?
Khu công nghiệp sinh thái được hiểu là tập hợp các doanh nghiệp (sản xuất và dịch vụ) được kết nối với nhau, cùng hướng đến lợi ích xã hội – kinh tế – môi trường chất lượng cao qua sự hợp tác về quản lý các vấn đề môi trường và nguồn tài nguyên.
Chính nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và môi trường sản xuất kinh doanh trong lành, sạch sẽ trong khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh, tạo nên tổng thể phát triển hiệu quả, bền vững. Từ đó, thúc đẩy nền kinh tế Việt phát triển nhanh và bắt kịp xu hướng nền công nghiệp hiện đại, thông minh của thế giới.
2. Khu công nghiệp sinh thái – xu hướng phát triển
Khu công nghiệp truyền thống thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp, sử dụng tài nguyên lãi phí dẫn tới sản xuất kinh doanh không đạt hiệu quả tối ưu. Để giải quyết những hạn chế của khu công nghiệp truyền thống thì từ năm 2014-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai sáng kiến phát triển khu công nghiệp sinh thái.
Định hướng phát triển của mô hình khu công nghiệp này là quy hoạch để tất cả các ngành nghề trong một khu để phối hợp tạo nên một tổng thể tuần hoàn, mang tính bổ trợ để cùng nhau phát triển. Các doanh nghiệp trong khu sẽ quản lý, sử dụng tài nguyên hiệu quả và đề cao yếu tố thân thiện với môi trường.
Đây không chỉ là xu hướng phát triển khu công nghiệp Việt Nam mà trên thế giới cũng đang định hướng theo mô hình này. Điển hình như tại khu công nghiệp sinh thái Kwinana (Tây Úc) đã có 50 cộng sinh dịch vụ hỗ trợ, 33 cộng sinh phụ phẩm. Bụi lò vôi là phụ phẩm và được sử dụng để khử lưu huỳnh; thạch cao được tái sử dụng để cải tạo đất,…
Từ đó, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái sẽ cùng hỗ trợ nhau, cùng tìm kiếm cơ hội để nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo vệ môi trường và tối ưu tài nguyên.
3. Lợi ích khi nhà đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Khu công nghiệp sinh thái mang lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu. Điều này tạo nên sức hút rất lớn với nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
- Khu công nghiệp sinh thái với sự phối hợp, tương trợ lẫn nhau, sản phẩm đầu ra của đơn vị này là nguyên liệu đầu vào của đơn vị khác, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh.
- Khi lựa chọn đầu tư vào khu công nghiệp sinh thái, đó chắc hẳn là một nhà đầu tư có tầm nhìn và mong muốn phát triển bền vững. Điều này sẽ góp phần nâng tầm uy tín, tạo được cái nhìn thiện cảm của đối tác.
- Khu công nghiệp sinh thái luôn đề cao yếu tố bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, các nhà đầu tư lựa chọn khu công nghiệp này để “rót vốn” thể hiện trách nhiệm cao trong việc bảo vệ môi trường sống chung.
Tuy nhiên, hiện nay con số các khu công nghiệp sinh thái ở nước ta vẫn còn rất ít (Theo báo điện tử Công thương, tính đến hết năm 2020, Việt Nam mới triển khai được 6 khu công nghiệp sinh thái). Chính vì vậy, các nhà đầu tư đang có rất ít lựa chọn và việc điều hướng sang các khu công nghiệp định hướng xanh là điều tất yếu.